Vì sao TP HCM có nhiều ca sốt xuất huyết tử vong?
Bác sĩ có kinh nghiệm điều trị sốt xuất huyết đã nghỉ việc, thuốc thiếu, chuyển viện không an toàn, bệnh nhân đến viện muộn... khiến ca nặng và tử vong cao đột biến.
Bác sĩ có kinh nghiệm điều trị sốt xuất huyết đã nghỉ việc, thuốc thiếu, chuyển viện không an toàn, bệnh nhân đến viện muộn... khiến ca nặng và tử vong cao đột biến.
Người bệnh sốt xuất huyết tại TP HCM đang cao nhất nước với gần 19.000 ca kể từ đầu năm - tăng 151% cùng kỳ năm ngoái, khiến bệnh viện tuyến cuối quá tải, tăng ca nặng và tử vong. So với cả năm 2019 (thời điểm dịch sốt xuất huyết bùng mạnh), nửa đầu năm nay số ca trở nặng đã gấp gần 7 lần, tử vong gấp hơn ba lần (10 người).
Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết Sở đã hai lần họp hội đồng chuyên gia, mời các đơn vị y tế liên quan đến các ca tử vong để tìm nguyên nhân. Trong đó có ba trường hợp tử vong sau khi chuyển cấp cứu từ Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi tới Bệnh viện Chợ Rẫy.
Biểu đồ số ca nhiễm sốt xuất huyết năm 2022.
Theo ông Châu, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi đa số là bác sĩ trẻ, thiếu kinh nghiệm điều trị sốt xuất huyết và hồi sức, trong khi những bác sĩ lớn tuổi đã nghỉ hoặc chuyển sang bệnh viện khác. Đặc biệt, sau thời gian biến động vì tập trung đối phó với Covid-19, nhất là có sự luân chuyển nhân sự y tế, đã khiến nhiều bác sĩ "quên bài" điều trị bệnh này.
"Có trường hợp không kịp thời nhận ra những dấu hiệu cảnh báo, để bệnh nhân quá nặng mới nhập viện, góp phần làm tăng nguy cơ trở nặng và tử vong", ông Châu nói. Ngoài ra, việc chuyển viện bệnh nhân đi xa cũng đối diện nguy cơ thiếu an toàn. Một trong những nguyên nhân chính khiến ba bệnh nhân chuyển từ Củ Chi tử vong là xe cấp cứu đã đi nhanh hết cỡ cũng mất gần hai giờ mới vào bệnh viện tuyến cuối ở trung tâm thành phố, ảnh hưởng việc điều trị.
Về việc này, bác sĩ Nguyễn Thành Phương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi cho biết, trong khoảng 200 bác sĩ tại đơn vị thì khoảng 40% mới ra trường, hoặc kinh nghiệm điều trị dưới 5 năm. Do đó, bệnh viện chỉ có khả năng thu dung các ca ngoại trú, nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo hoặc vào sốc lần một (bắt đầu trở nặng). Thực tế một số bệnh nhân sốt xuất huyết được đưa vào đây đã trở nặng nên cần chuyển lên tuyến trên.
Cũng cho rằng TP HCM thiếu người có kinh nghiệm phòng chống sốt xuất huyết, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết việc này đang xảy ra tại y tế cơ sở các quận huyện. Nguyên nhân là sau đợt chống dịch Covid-19, trong 3 tháng đầu năm, đa số nhân viên y tế cơ sở (trong tổng số 400 cán bộ, y bác sĩ) đã nghỉ việc vì thu nhập thấp. Các hoạt động dự phòng sốt xuất huyết của các trạm y tế như tuyên truyền, kiểm tra các điểm nguy cơ, phun xịt thuốc diệt muỗi và loăng quăng... không đủ người làm.
Ngoài khó khăn về nhân lực, nhiều bệnh viện đang thiếu thuốc trị sốt xuất huyết nặng. Vài tháng nay, các bệnh viện tuyến cuối (tiếp nhận nhiều ca nặng từ tuyến dưới hay tỉnh thành khác chuyển đến) như Bệnh Nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng Thành phố... không có dịch truyền cao phân tử chống sốc Dextran và HES 200.000 dalton, thuốc vận mạch dopamin... Các bệnh viện phải thay thế bằng thuốc khác nhưng hiệu quả không tốt bằng thuốc theo phác đồ của Bộ Y tế. Thuốc thay thế là HES 130.000 dalton và albumin không nằm trong phác đồ chính thức của Bộ Y tế nên bệnh nhân không được bảo hiểm y tế thanh toán.
Theo thống kê, khoảng 70% các ca tử vong ghi nhận tại các đơn vị tuyến cuối được bệnh viện tỉnh chuyển đến trong tình trạng quá nặng, vượt quá khả năng điều trị. Bệnh nhân sốc rất sâu, kéo dài, suy đa tạng, viêm cơ tim, xuất huyết thể não, kèm bệnh nền hoặc béo phì, mang thai... Chỉ 6 tháng đầu năm, Nhi đồng 1 ghi nhận 7 ca tử vong; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới ngoài 3 ca tử vong tại viện, còn có 7 ca quá nặng, gia đình xin về.
Một nguyên nhân khác được ông Nguyễn Trọng Khoa (Phó Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế) chỉ ra trong buổi làm việc với ngành y tế TP HCM hôm 27/6, là việc truyền dịch quá nhiều cho bệnh nhân ở một số cơ sở y tế tư nhân. Đây là một trong các nguy cơ dẫn đến ca nặng, khiến người bệnh nặng chậm vào viện, nhiều trường hợp tiếp cận bệnh viện tuyến cuối khi tình trạng đã nguy kịch.
Giám sát tình hình dịch của Viện Pasteur TP HCM cũng cho thấy trong 5 tháng qua, type virus gây sốt xuất huyết lưu hành chủ yếu là DEN 1 (57%) và DEN 2 (41%). Chủng DEN 2 có xu hướng gia tăng, được cho là có nguy cơ khiến bệnh nặng hơn.
Trước thực trạng này, từ đầu tháng 4, khi số ca sốt xuất huyết bắt đầu tăng, Sở Y tế đã phối hợp cùng 4 bệnh viện tuyến cuối là Nhi đồng 1, 2, Nhi đồng Thành phố, Bệnh Nhiệt đới cùng Hội Y học TP HCM cấp tốc tổ chức hàng loạt lớp tập huấn sốt xuất huyết cho nhân viên y tế cơ sở, các phòng khám tư, giúp nhận diện sớm sốt xuất huyết và không bỏ sót dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng, tránh nhập viện muộn.
Riêng tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, Sở Y tế đã giao Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tập huấn lại toàn bộ về bệnh sốt xuất huyết cho các bác sĩ, cũng như trực tiếp hỗ trợ chuyên môn. Tình huống có ca nặng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới sẽ hội chẩn điều trị từ xa để hướng dẫn sử dụng các phương tiện hồi sức tại chỗ. Ngành y tế cũng tính phương án tái khởi động hệ thống cấp cứu liên viện để xuống hỗ trợ tuyến dưới điều trị bệnh nhân ngay tại chỗ, tránh chuyển bệnh nhân đã quá nặng đi đường xa về bệnh viện tuyến trên.
Sở Y tế cũng đề nghị bệnh viện tuyến dưới và các tỉnh thành "chia lửa" với bệnh viện tuyến cuối để tránh quá tải. Cụ thể, tuyến trước cần tăng cường năng lực điều trị, thu dung các ca bệnh nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo trở nặng, trừ trường hợp tái sốc, diễn biến nặng hoặc đơn vị thiếu thuốc chống sốc, trang thiết bị hồi sức... mới chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Thành phố cũng đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ kinh phí cho bệnh viện tuyến cuối đến các địa phương đào tạo, tập huấn chuyên môn, tránh tình trạng chuyển tuyến khi chưa cần thiết và chuyển tuyến không an toàn; thành lập quỹ dự phòng mua sắm thuốc, dịch truyền quý hiếm như cao phân tử dextran... để có sẵn khi dịch bùng phát.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã chỉ đạo Cục Quản lý Dược khẩn trương tìm kiếm nguồn cung thuốc, vật tư y tế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục cấp phép, nhập khẩu, quy định giá... kịp thời cung ứng cho các cơ sở y tế. Hiện, một công ty dược đã được cấp phép lưu hành thuốc Dextran tại Việt Nam và chuẩn bị hồ sơ đăng ký xin cấp phép sản xuất thuốc Dextran 40 tại một nhà máy ở Đồng Nai.
Ngoài ra, ông Sơn đề nghị các bệnh viện cũng cần tổ chức họp phân tích tất cả các ca tử vong do sốt xuất huyết để rút kinh nghiệm trong điều trị các ca bệnh nặng, giảm thiểu nguy cơ tử vong.
Thư Anh - theo báo Vnexpress.
Tin Tức
Top 60 hình ảnh chim Hồng Hoàng quý hiếm đẹp me lòng người
Tuyển tập hơn 60 hình ảnh đẹp về loài chim Hồng Hoàng quý hiếm được đưa vào sách đỏ Việt Nam, loại chim này được nhà nước bảo vệ, bảo tồn cấm săn bắn, cấm diết thịt.
Top 13 hình ảnh những tổ chim dồng dộc chột dộc đẹp nhất
Top 13 những bức anh đẹp ấn tượng về tổ chim dồng dộc hay còn gọi là chột dột có nơi lại gọi là tổ chim dột dột. Các bạn cùng xem và suy ngẩm về độ tỉ mỹ và khoa học của tổ chim của loài này.
Mạo danh ngân hàng dụ người dùng xác thực sinh trắc học
Kẻ gian gọi điện, tự xưng là nhân viên ngân hàng và yêu cầu người dân gửi thông tin cá nhân, ảnh chụp CCCD để hỗ trợ xác thực sinh trắc học.
Nguyễn Trần Duy Nhất Chiến Thắng Thần Đồng Johan Ghazali Malaysia
Sáng 8/6, võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất đã có trận đấu với thần đồng 17 tuổi người Malaysia, Johan Ghazali ở sự kiện ONE Championship 167 diễn ra ở Bangkok, Thái Lan